Nghệ sỹ Quốc Trung: Đừng trách người trẻ không giữ bản sắc cà phê Việt

Góc nhìn

Nhạc sỹ Quốc Trung cảm thấy buồn nếu Việt Nam hòa nhập và hòa tan cùng lúc trong uống cà phê.

Sau đây là chia sẻ của Nhạc sỹ Quốc Trung:

“Tôi cho rằng hôm nay, từ cách uống đến hương vị cà phê Việt lại đang bị “nhiễu” khi người Việt chuyển sang uống cà phê hòa tan.

Đành rằng do xã hội Việt đang chuyển mình sang hiện đại, công nghiệp và đô thị hóa, thì một số lĩnh vực, trong đó có ẩm thực nói chung và uống cà phê nói riêng, cũng sẽ phải biến đổi theo hướng hiện đại. Thế nhưng trong cách thưởng thức cà phê, tôi lại thấy là không nên.

Sao lại không nên? Trước hết vì nó ngược. Tôi không muốn khư khư giữ lấy cái cũ và không đoái hoài đến sự phát triển “công nghiệp hóa”, đang là xu hướng không tránh khỏi của xã hội Việt hiện đại, mà từ bản chất, vốn là một xã hội nông nghiệp nhiều âm tính.

Tuy nhiên, cà phê phin theo giao lưu văn hóa Pháp du nhập vào Việt Nam cách đây đã hàng trăm năm, là cách du nhập một đồ uống dương tính. Nên cà phê phin Pháp được biến hóa thành cà phê phin Việt. Cách uống cà phê được Việt hóa độc đáo.

Cái phin pha cà phê vốn là vật dụng thông thường, chỉ mang ý nghĩa cái xác, đã được sử dụng để pha chế và thưởng thức theo lối cà phê phin Việt, cấu thành cái hồn thấm đượm bản sắc cà phê Việt. Đấy chẳng phải là một cuộc Việt hóa đã vượt ngưỡng khỏi một đồ uống sao?

Tôi nghĩ, đã là người Việt hiện đại thì nên tự hào vì mình đã tạo lập cách uống riêng, nhất là khi cà phê Việt mang hương vị và sắc thái riêng của thổ nhưỡng Việt, được trồng trọt, thu hái, chế biến độc đáo từ các cao nguyên của vùng văn hóa Tây nguyên Việt Nam.

Tôi đã ở nước ngoài thời gian khá dài, uống nhiều loại cà phê nhanh đặc trưng, để có đủ sự so sánh cà phê kiểu Việt với cà phê nhanh châu Âu, là hai thức uống khác nhau về bản chất.

Với một bên là pha nhanh, nhiều, uống nóng hổi tức thì, có thể vừa uống vừa chạy đi học, đi biểu diễn, xem phim, kịch…, rồi uống xong có thể vứt tọt cốc giấy vào thùng rác công cộng là con chim cánh cụt đang há mỏ đứng chờ ngoài đường phố.

Tôi chả thấy ngon lành gì cái nóng hổi nhưng lãng nhách, như chạy qua hàng cà phê ấy, mà vẫn phải uống. Uống kiểu này chả khác điều các cụ nhà ta nói từ hồi nảo hồi nào: “thực bất tri kỳ vị”. Nghĩa là uống lấy được, chả biết thế nào là ngon.

Rốt cuộc, tôi buộc phải hồi hương, về với tách cà phê Việt, với đen không đường, có đường, với nâu, ở Hà Nội và ở Sài Gòn.

Tôi gọi: Một ly lớn đen đá, khuấy lanh canh bằng chiếc thìa dài trong ly thủy tinh cao thành, hoặc một cà phê sữa đá đủ ngọt vị sữa đặc hoặc sữa tươi, tận hưởng cái mát lạnh của đá trong cà phê đen thơm nức mũi.

Vị đắng có một chút chua chua khiến người uống như cảm cả thế thái nhân tình, hoặc cà phê sữa đá thơm mát lạnh từ đầu lưỡi, trôi xuống vòm họng và thấm thía lạnh đến tận ruột gan.

Theo tôi, chẳng nên trách người trẻ hôm nay không để ý việc giữ bản sắc cà phê Việt. Tôi hiểu và chia sẻ tâm trạng nhiều bạn trẻ ngồi đồng như “tỉ phú thời gian” ở quán, cả buổi sáng chỉ xơi một ly cà phê đen, uống cho đến khi loãng như nước.

Họ đâu thiếu thời gian cho cà phê phin. Có thể do họ buồn chán, thất nghiệp, thất tình, đổ vỡ niềm tin… và họ chưa cảm nhận được rằng: bên một tách cà phê phin tử tế, để nguyên đen, pha nâu, hoặc đen đá, sữa đá, hương vị hấp dẫn rất đặc trưng của nó (cái mà tôi thấy chính là linh hồn của bản sắc cà phê Việt Nam), có thể khiến họ nghĩ ra bao điều hay ho, tốt đẹp và tích cực… trong cuộc đời đầy bận rộn và gấp gáp này!

Khi đã quay đi ngoảnh lại với hai loại cà phê Việt hóa và Tây hóa – mà tôi hay gọi đùa là Tây lai, tôi cảm thấy buồn nếu Việt Nam hòa nhập và hòa tan cùng lúc trong uống cà phê.

Nên tôi vẫn băn khoăn, có cách gì để chống lại sự phai hóa bản sắc cà phê Việt nhỉ, trong khi có nhiều cái phai hóa vẫn đang diễn ra hằng ngày?”

[Hóng từ: vtc.vn]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *